Vô sinh ở nữ giới và những điều cần biết
|Con cái là sợi dây kết nối giúp tình cảm vợ chồng trở nên gắn kết và bền chặt hơn. Tuy nhiên, đôi khi điều hạnh phúc này lại không xảy ra đối với nhiều cặp vợ chồng do bản thân người vợ mắc phải căn bệnh vô sinh. Vậy vô sinh nữ là như thế nào? Những thông tin hữu ích được đề cập tới trong bài viết dưới đây sẽ giúp các chị em nữ giới hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này.
Thế nào là vô sinh ở nữ giới?
Vô sinh ở nữ giới là tình trạng người phụ nữ không thể mang thai dù đã sinh hoạt tình dục liên tục trong vòng 1 năm(hoặc 6 tháng nếu người vợ trên 35 tuổi) mà không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào và sức khỏe sinh sản của nam giới bình thường. Căn bệnh này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tuy nhiên cũng có những trường hợp nữ giới bị vô sinh nhưng không rõ nguyên nhân.
Trên thực tế, vô sinh ở nữ giới được chia thành 2 nhóm chính đó là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát, cụ thể như sau:
- Vô sinh nguyên phát: Đây là trường hợp vô sinh nữ xảy ra mặc dù trước đó các chị em chưa từng mang thai lần nào.
- Vô sinh thứ phát: Trường hợp nữ giới đã có ít nhất 1 lần mang thai(từng sinh đẻ hoặc bị sảy thai) nhưng sau đó lại không thể mang thai trở lại sau 1 năm.
Các bác sĩ chuyên khoa sinh sản cho biết vô sinh nữ có thể xảy ra ở bất kỳ nữ giới nào đang trong độ tuổi sinh sản. Đặc biệt, những chị em có tiền sử bị viêm nhiễm phụ khoa, rối loạn nội tiết tố, thiếu cân, thừa cân, tiền sử nạo phá thai nhiều lần, lạm dụng thuốc tránh thai, sử dụng các chất kích thích… sẽ nguy cơ bị vô sinh cao hơn cả.
Dấu hiệu vô sinh ở nữ giới không thể bỏ qua
Ngoài đi thăm khám kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở y tế tin cậy, các chị em nữ giới có thể nhận biết bệnh vô sinh thông qua việc phát hiện những vấn đề bất thường về sức khỏe sinh sản của bản thân dưới đây:
- Kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh không đều đặn, bị mất kinh, rong kinh kéo dài… Nguyên nhân có thể do nội tiết tố bị rối loạn hoặc do các bệnh lý phụ khoa gây nên. Kinh nguyệt không đều sẽ khiến cho các chị em khó xác định được chính xác thời điểm trứng rụng, cơ hội thụ thai sẽ bị giảm đi rõ rệt.
- Khí hư bất thường: Khí hư có sự thay đổi bất thường như tăng tiết ra nhiều hơn; màu sắc khác lạ như có màu vàng, nâu hoặc xanh… kèm theo có mùi hôi, tanh khó chịu.
- Vô kinh: Nữ giới đang ở trong độ tuổi sinh sản mà vẫn chưa thấy kinh nguyệt “ghé thăm” hoặc đột nhiên bị mất kinh từ 3 tháng liên tiếp, là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe sinh sản đang gặp “trục trặc”, nếu để lâu kéo dài nguy cơ bị vô sinh- hiếm muộn là rất cao.
- Sảy thai: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng với một số nữ giới có tiền sử bị sảy thai, nạo phá thai nhiều hơn 3 lần thì tỷ lệ bị vô sinh sẽ cao hơn so với những nữ giới khỏe mạnh khác.
- Các triệu chứng khác: Tuyến vú kém phát triển, đau khi giao hợp, đau tức bụng dưới thường xuyên, ra máu âm đạo bất thường… là những triệu chứng khác mà chị em có thể gặp phải khi bị vô sinh.
Vô sinh ở nữ giới chữa như thế nào cho đúng?
Với sự phát triển của y học hiện nay, bệnh vô sinh ở nữ giới có thể được chữa trị bằng rất nhiều cách khác như sử dụng thuốc Đông và Tây y kết hợp, phẫu thuật xâm lấn ngoại khoa hay áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm… Tuy nhiên, việc hỗ trợ điều trị theo phương pháp nào thì cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh.
Điều quan trọng đó là ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ bản thân bị vô sinh, các chị em nữ giới cần thu xếp thời gian đi thăm khám kiểm tra sức khỏe sinh sản càng sớm càng tốt. Nếu có thể, các chị em hãy khuyên chồng đi thăm khám kiểm tra cùng mình.
Thông qua việc thăm khám kiểm tra lâm sàng kết hợp với thăm khám kiểm tra chuyên sâu như xét nghiệm nội tiết tố, siêu âm, tiến hành chụp tử cung và vòi trứng… Bác sĩ sẽ tìm ra đúng được nguyên nhân gây vô sinh đồng thời đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và tư vấn hướng chữa trị phù hợp, hiệu quả nhất.
Ở nhiều người dấu hiệu vô sinh nữ đôi khi có thể không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa khuyến cáo mỗi chị em nên quan tâm đến sức khỏe sinh sản của mình bằng cách đi thăm khám kịp thời khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Đặc biệt nên dành thời gian đi kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần nhằm theo dõi và phát hiện các bệnh lý phụ khoa xảy ra, tránh dẫn đến hậu quả bị vô sinh- hiếm muộn.